Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Mọi hành trình đều đòi hỏi bạn phải có một ‘chú ngựa sắt’ đáng tin cậy, một chiếc mô-tô sẵn sàng đi cùng bạn đến bất cứ đâu. Royal Enfield Himalayan chính là lựa chọn tốt về giá lẫn trang bị mà bạn có thể tìm thấy tại thị trường Việt Nam.
Bạn luôn cần một chiếc xe máy hữu dụng, mang lại niềm vui và sự tin cậy khi tham gia chuyến phiêu lưu nào đó. Và để đi phượt tại Việt Nam, thì không có ‘con ngựa sắt’ nào đáng giá hơn Royal Enfield Himalayan 400. Cùng Motosaigon xem qua những cảm nhận và đánh giá thực tế từ khách hàng và người dẫn đoàn của Onyabike Adventures.
Himalayan 400 của Royal Enfield chỉ mới có mặt trên thị trường cách đây vài năm. Đây là chiếc đầu tiên trong số những dòng xe mới củng cố danh tiếng của hãng sản xuất mô-tô lâu đời nhất trên thế giới này. Royal Enfield bắt đầu sản xuất vào năm 1901 và hiện vẫn giữ vững vị thế của mình.
Dòng xe Royal Enfield Classic từ lâu đã có mặt trong nhiều chuyến khám phá Himalaya. Vì vậy, hãng sản xuất quyết định tạo ra một chiếc mô-tô dành riêng cho điều này: Himalayan 400. Ra mắt năm 2016, Himalayan nhanh chóng tạo tiếng vang lớn với cấu trúc mạnh mẽ, khơi gợi cảm hứng và có chi phí phải chăng, là lựa chọn thay thế cho những gã khổng lồ cồng kềnh đến từ các hãng đối thủ.
Royal Enfield Himalayan 2019 được trang bị động cơ xi lanh đơn, dung tích 411cc, làm mát bằng không khí, mã lực 24 BHP và mô-men xoắn 32 NM. Động cơ mới đi kèm công nghệ phun xăng điện tử giúp tiết kiệm xăng, 35km – 40km/l tùy vào điều kiện chạy xe. Động cơ của Himalayan cũng chính là động cơ nguyên bản lấy từ phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, hiện tại động cơ này chạy êm hơn, được điều chỉnh nhiều hơn và giúp sang số dễ hơn.
Himalayan có tốc độ tối đa 124 km/h và tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 10,9 giây. Nhiều tay lái cho rằng, với một chiếc mô-tô 400cc, thì động cơ của Himalayan khá yếu. Điều này đúng nếu xét đến việc sử dụng xe trên đường cao tốc thông thường, nhưng lái xe ở Việt Nam lại là vấn đề khác, Himalayan được thiết kế thiên về mô-men xoắn và offroad hơn. Chúng ta sẽ trao đổi sau về hiệu suất của xe, cũng như mối liên hệ của hiệu suất với việc lái xe tại Việt Nam.
Thiết kế của Himalayan gây ra nhiều ý kiến trái chiều và khi xem xét kỹ chiếc xe này, bạn sẽ hiểu vì sao lại như vậy. Himalayan có dáng vẻ hiện đại, nhưng lại dựa trên thiết kế cổ điển, trang bị hướng đến tính thực dụng. Xe có hình dạng vuông vắn, góc cạnh, và chắc chắn là rất nổi bật.
Hiện không có nhiều dòng xe để so sánh với thiết kế của Himalayan, nhưng đây là trường hợp giống như Marmite/Vegemite (hai loại sốt có nhiều điểm tương đồng): bạn sẽ yêu hoặc ghét nó! Nhiều người yêu dòng xe này ngay từ cái nhìn đầu tiên, số khác lại coi thường. Nhưng sự ngờ vực của hầu hết mọi người sẽ tan biến khi họ lái chiếc mô-tô tốt nhất Việt Nam này chỉ trong vài cây số.
Himalayan 400 đi kèm với gác chân được tái thiết kế, phù hợp hơn với đường đất và gương lớn hơn. Bảng đồng hồ điều khiển của xe là sự kết hợp hài hòa giữa đồng hồ analog và đồng hồ số, gồm công tơ mét, đồng hồ đo số km đã đi, chỉ báo số, chỉ báo mức xăng, đồng hồ báo giờ, đồng hồ đo quãng đường, nhiệt kế và thậm chí là la bàn.
Xe cũng đi kèm ốp bảo vệ gầm làm bằng thép chắc chắn, và bộ khung chống va đập tiêu chuẩn cho bình xăng. Bộ phận này cũng có thể làm điểm tựa cho hành lý, chân chống giữa giúp bảo trì xe dễ hơn và khung để hành lý phía sau. Hành lý là mối quan tâm chính khi chạy xe ở Việt Nam và lựa chọn hành lý thích hợp cho Himalayan có thể giúp chuyến đi thoải mái hơn. Đọc bài viết về các lựa chọn hành lý cho việc chạy xe tại Việt Nam của Onyabike Adventure để biết thêm thông tin.
Himalayan không được thiết kế để dẫn đầu trong cuộc đua đường thẳng (drag race) hay chạy đua với Valentino Rossi. Đây là điều ai cũng biết, nhưng chiếc xe này có hiệu suất tuyệt vời theo đúng thiết kế công năng của mình. Nó có thể không có mã lực tốt nhất so với các xe khác cùng loại. Tuy nhiên, Himalayan có thế mạnh riêng với mô-men xoắn lớn tại vòng tua thấp.
Tốc độ không phải là yếu tố quyết định khi đi lại ở Việt Nam. Mô-men xoắn tại vòng tua thấp mới chính là ‘con át chủ bài’ giúp xe chạy nhanh và đầy mạnh mẽ. 32 NM là con số quá đủ để chạy xe tại Việt Nam. Mô-men xoắn là yếu tố giúp xe len lỏi và không bị mắc kẹt trong lượng giao thông dày đặc tại đất nước này. Đây là điều mang đến khả năng vượt mọi địa hình cho xe.
Mô-men xoắn là ‘người bạn thân nhất’ của mọi tay lái tại Việt Nam. Nó giúp bạn tăng tốc dễ dàng trong điều kiện giao thông chật hẹp và giúp chiếc xe cồng kềnh di chuyển nhẹ nhàng. Mô-men xoắn 32 NM ở vòng tua tương đối thấp mang đến sức mạnh to lớn cho số thấp và lực kéo khoảng giữa mạnh.
Tốc độ chạy xe tại Việt Nam không vượt 70 hay 80 km/h và tốc độ trung bình cho xe trong thành phố là khoảng 30 – 40 km/h. Tốc độ chạy xe ở khu vực đường nông thôn, đường mòn cũng không thực sự cao. Lý do là đường có nhiều ổ gà, động vật trên đường hay các rủi ro khác khiến người ta phải đi chậm.
Hầu hết những tay lái off-road sẽ nói với bạn rằng phanh của một chiếc xe off-road tốt giống như cá đối. Chúng có vẻ rụt rè và kín đáo, nhưng thực ra lại rất điên cuồng. Đĩa phanh đơn phía trước và phía sau có đường kính lần lượt 300 mm và 240 mm là những gì mà Himalayan mang đến cho bạn. Thiết kế này giúp người lái cảm thấy xe dừng chính xác ở phía trước và chậm dần ở phanh sau. Trọng lượng xe Himalayan cũng đồng nghĩa với việc người lái có thể cần khoảng cách phanh dài hơn.
Một số người phàn nàn rằng xe mô-tô hạng nặng khó có thể đi lại ở khu vực giao thông đông đúc. Tuy nhiên, trọng lượng không phải là điều thực sự đáng lưu ý ở Himalayan trên đường phố hay đường off-road nhờ vào phần trung tâm trọng lực thấp của xe. Trọng lượng không phải lúc nào cũng là điều xấu, và nó có thể là lợi thế nếu giúp xe ổn định khi chạy ở tốc độ cao hơn. Việt Nam có một số cung đường ngoằn ngoèo và những người lần đầu đến Việt Nam sẽ phải cảm ơn tính ổn định này.
Phuộc trước của Himalayan khá mềm và phuộc sau cứng hơn. Với điều kiện off-road, thiết kế này được ưa chuộng vì phuộc trước sẽ giúp xe vượt qua gờ giảm tốc và phuộc sau giúp giảm xóc. Đây là thiết kế tuyệt vời cho những con đường gập ghềnh ở Việt Nam, cũng như đường off-road. Phuộc trước mềm giúp dễ vượt qua gờ giảm tốc trên đường và không cần phải lo về ổ gà.
Himalayan có khoảng sáng gầm xe 220 mm, hoàn hảo cho việc chạy trên đường mòn có nhiều cành cây, đá, đất vụn. Hộp số 1 cao của Himalayan kết hợp với vòng tua thấp giúp xe gần như không bị chết máy và tuyệt vời không chỉ với đường off-road mà còn với giao thông di chuyển chậm tại Việt Nam.
Xe cũng có một trong các chiều cao yên thấp nhất (800 mm) cho xe mô-tô adventure và kể cả người lái như Linh, quản lý nhóm xế nữ Sài Gòn, với chiều cao 1m64 cũng có thể chống chân xuống đất thoải mái.
Nhiều tay lái sẽ nói với bạn việc có thể chống hai chân xuống giúp họ tự tin hơn như thế nào, đặc biệt là khi chạy off-road. Nó mang đến cảm giác an toàn và nhiều khả năng kiểm soát hơn. Yên xe thoải mái cũng cho phép ngồi lâu không mỏi. Khi đi phượt, yên xe thoải mái là điều đầu tiên mà phượt thủ tìm kiếm.
Một điều tuyệt vời khác về Himalayan 400 chính là mức giá của nó. Xe máy nhỏ và rẻ, thường là xe gắn máy (dưới 50cc) và xe tay ga, rất phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, những chiếc mô-tô lớn hơn như Himalayan ngày càng xuất hiện nhiều trên các đường phố trong những năm gần đây. Ngày nay, có nhiều đại lý nhập khẩu số lượng xe lớn, giúp việc tiếp cận các loại xe này dễ dàng hơn. Himalayan là một trong các mô-tô rẻ nhất và tốt nhất trong dòng xe mô-tô adventure trọng lượng trung bình tại Việt Nam, với mức giá 131.000.000 VNĐ (5.000 USD) cho xe mới. Với những gì bạn nhận được, thì mức giá đó chắc chắn là một món hời. Không chỉ vậy, nó còn khiến cho các mẫu xe khác cùng loại dường như có giá quá đắt.
Bạn cần chuẩn bị nhiều thứ khi lái xe ở Việt Nam. Bất cứ ai đến Việt Nam để thực hiện một chuyến đi phượt bằng xe máy cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng cho hành trình này. May mắn là Onyabike có một bài viết riêng về việc chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình phiêu lưu của bạn tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ cần hai thứ khi lái xe ở Việt Nam: Mũ bảo hiểm che cả mặt (full-face) chất lượng cao và bằng lái quốc tế tương đương với bằng A2.
Himalayan không có sức mạnh quá mạnh mẽ, nhưng mức mô-men xoắn mà chiếc xe mang đến là quá dư cho những cung đường tại Việt Nam. Dù là trên đường phố đông đúc hay off-road, thì mô-men xoắn vẫn luôn là người bạn thân nhất của người lái.
Một số người sẽ ‘phản pháo’ về công suất động cơ yếu cũng như tốc độ cực đại khá thấp của dòng xe này. Tuy nhiên, nếu xét tại Việt Nam thì công suất này là quá đủ. Hầu hết người dân chạy xe gắn máy và giao thông di chuyển chậm, vì vậy tốc độ lái khoảng 60 km/h sẽ làm bạn cảm thấy mình đang di chuyển nhanh. Ngoài ra, tốc độ lý tưởng của Himalayan là khoảng 90 – 100 km/h.
Khả năng chạy off-road tuyệt vời chính là lý do Onyabike Adventures chọn Royal Enfield Himalayan làm chiến mã đáng tin cậy của mình. Hệ thống giảm xóc và động cơ được điều chỉnh để phù hợp với đường off-road, đồng thời mang lại hiệu quả tốt trên đường mòn và đường cao tốc.
Khi nghĩ đến những chiếc xe adventure, các tay lái thường tưởng tượng ra hình ảnh to lớn, nặng nề và đáng sợ. Himalayan sẽ làm thay đổi quan điểm này. Thiết kế xe mang đến sự thoải mái cho người dùng và yên dựng thẳng, cùng với tay lái cao giúp người lái dễ đứng dậy trên xe khi đang di chuyển trên đường off-road.
Himalayan cũng là xe mô-tô có giá rẻ nhất trong số các xe cùng loại. Việc bảo dưỡng rất đơn giản. Dầu, bộ lọc dầu và bình khí nén đều dễ tiếp cận. Việc kiểm tra khe hở xú-páp cũng đơn giản và nhanh chóng. Himalayan có thể đòi hỏi nhiều lần bảo dưỡng hơn so với các dòng xe cào cào (dirt-bike) hay xe dual-sport khác. Tuy nhiên, việc bảo trì chỉ mất nửa thời gian và bạn có thể tự mình thực hiện dễ dàng.
Một số tay lái cho rằng Himalayan không nên nằm trong nhóm xe dual-sport hay xe cào cào vì nó không thực sự là xe adventure hay xe cào cào hạng nhẹ. Himalayan ở vị trí trung lập. Xe đủ nhẹ cho đường mòn, nhưng cũng đủ ổn định để chạy trên đường cao tốc trong thời gian dài. Royal Enfield Himalayan đúng nghĩa là một “chú ngựa sắt” đáng tin cậy để đưa các phượt thủ đến nơi họ muốn một cách an toàn.